Viêm Lợi Có Mủ Nguy Hiểm Không? Phải Làm Sao?
Nội Dung Bài Viết
Viêm lợi có mủ là giai đoạn tiến triển nặng của bệnh viêm lợi, tiềm ẩn nhiều biến chứng nghiêm trọng. Đặc biệt là có thể gây tổn thương mô nướu cùng hệ thống tổ chức nâng đỡ chân răng. Cần có biện pháp điều trị kịp thời và đúng đắn để ngăn ngừa rủi ro phát sinh.
Viêm lợi có mủ là bệnh gì?
Viêm lợi có mủ là thuật ngữ đề cập đến giai đoạn tiến triển nặng của bệnh viêm lợi. Khi mới khởi phát, bệnh viêm lợi chỉ khiến mô nướu bị sưng và kích ứng nhẹ. Thường là do tác động của cao răng. Tuy nhiên nếu chủ quan không sớm điều trị thì vi khuẩn có thể sinh sôi nhanh chóng khiến tình trạng viêm ảnh hưởng mạnh. Từ đó khiến cho mô nướu bị ứ mủ và rỉ dịch.
Ổ mủ xuất hiện tại nướu răng thực chất là tổ chức bao gồm niêm mạc đã chết, vi khuẩn, tế bào bạch cầu… Dịch mủ thường có mùi hôi khó chịu khiến cho hơi thở có mùi. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động giao tiếp và sinh hoạt thường ngày. Đặc biệt nếu không điều trị kịp thời thì viêm nhiễm có thể ảnh hưởng sâu rộng. Ngoài gây tổn thương răng, nướu thì còn tác động tới các cơ quan lân cận.
Nguyên nhân gây bệnh viêm lợi có mủ
Các bác sĩ nha khoa cho biết, bệnh viêm lợi có mủ có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, vấn đề vệ sinh răng miệng kém được cho là nguyên nhân chính, phổ biến nhất. Ngoài ra, một số yếu tố thuận lợi khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Cụ thể như sau:
1. Nguyên nhân chính
Nguyên nhân trực tiếp gây viêm lợi có mủ là do các loại vi khuẩn có hại trong khoang miệng phát triển quá mức. Thông thường, vi khuẩn chỉ tồn tại với số lượng hạn chế nên ít khi gây ra các triệu chứng. Tuy nhiên nếu vệ sinh răng miệng kém hay hệ miễn dịch suy yếu thì vi khuẩn sẽ có cơ hội sinh sôi nhanh. Trong đó, vệ sinh răng miệng kém được cho là nguyên nhân chính của sự sinh sôi này.
Khi răng miệng không được làm sạch hoàn toàn thì thức ăn thừa sẽ tạo thành mảng bám ở kẽ răng và mặt nhai. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển. Sự sinh sôi của vi khuẩn sẽ gây ra quá trình khoáng hóa, biến mảng bám thành cao răng. Cao răng tích tụ dần sẽ tác động, gây sưng viêm và phù nề mô lợi. Về lâu dài, số lượng vi khuẩn tăng lên khiến tình trạng viêm nhiễm tiến triển nặng, mô lợi bị ứ mủ và rỉ dịch.
2. Các yếu tố nguy cơ
Ngoài nguyên nhân chính nêu trên thì một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm lợi có mủ. Các yếu tố được đề cập bao gồm:
– Răng mọc lệch:
Răng mọc lệch (thường xảy ra ở răng số 8) sẽ dễ bị viêm lợi hơn. Nguyên nhân là do khó làm sạch và tạo ra khe hở để thức ăn thừa bám vào. Theo thời gian, mảng bám sẽ bị khoáng hóa và tạo thành cao răng. Đây chính là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, gây viêm lợi có mủ và các vấn đề nha khoa khác. Điển hình có tình trạng viêm lợi trùm.
– Vị trí răng:
Số liệu thống kê cho thấy, bệnh viêm lợi có mủ thường ảnh hưởng tới răng cửa và răng hàm (răng số 6, 7, 8). Răng cửa thường được sử dụng để cắn thức ăn nên rất dễ hình thành mảng bám và vôi răng ở kẽ. Còn răng hàm có mặt nhai lớn, nhiều rãnh và ở vị trí khuất nên khó làm sạch. Lâu dần vôi răng hình thành tạo điều kiện cho hại khuẩn sinh sôi và gây sưng viêm, ứ mủ ở phần lợi bao xung quanh răng.
– Mắc các bệnh đường hô hấp:
Những người mắc các bệnh đường hô hấp thì nguy cơ bị viêm lợi có mủ cũng sẽ tăng lên. Bởi các bệnh như viêm họng, viêm amidan, cảm cúm, cảm lạnh… thường xảy ra do nấm men, hại khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể. Trường hợp đang bị viêm lợi thì các tác nhân này có thể tấn công vào mô nướu bị tổn thương. Từ đó khiến cho tình trạng viêm trở nặng, mô nướu bị ứ mủ và rỉ dịch.
– Hệ miễn dịch suy giảm:
Khoang miệng có chứa khoảng 50 tỷ vi khuẩn, trong đó số lượng lợi khuẩn và hại khuẩn cân bằng. Điều này giúp đảm bảo sức khỏe răng miệng, tránh xảy ra các bất thường. Tuy nhiên nếu hệ miễn dịch suy giảm thì hại khuẩn có thể phát triển mạnh và gây nhiễm trùng mô nướu, tổn thương men răng và tổ chức nha chu.
– Các yếu tố khác:
Bên cạnh các yếu tố kể trên, bệnh viêm lợi có mủ còn có thể xảy ra do các yếu tố khác. Ví dụ như:
- Thường xuyên tiêu thụ các loại đồ ăn thức uống chứa nhiều đường
- Hút thuốc lá thường xuyên
- Bị trào ngược dạ dày thực quản mãn tính
- Có sẵn các bệnh nha khoa như viêm nha chu, sâu răng…
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm lợi có mủ
Khác với bệnh viêm lợi thông thường, viêm lợi có mủ gây ra triệu chứng ở mức độ nặng nề hơn. Hơn nữa còn ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe răng miệng. Cần nắm rõ các triệu chứng của bệnh để kịp thời phát hiện và can thiệp điều trị.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh viêm lợi có mủ bao gồm:
- Mô nướu bao xung quanh răng có biểu hiện đỏ và sưng viêm nhiều hơn bình thường.
- Khi nhấn nhẹ vào phần lợi bị tổn thương sẽ thấy mủ chảy ra. Dịch mủ có mùi hôi rất khó chịu.
- Nướu răng trở nên nhạy cảm và rất dễ bị chảy máu khi đánh răng.
- Răng có thể bị đau nhức nhiều và lung lay khi ăn uống.
- Khoang miệng khô và có mùi hôi rất khó chịu.
- Một số trường hợp có thể bị sốt nhẹ, đau và sưng hạch ở góc hàm.
Trên thực tế, các triệu chứng viêm lợi có mủ rõ ràng hơn rất nhiều so với tình trạng viêm lợi mới phát. Do đó, bạn có thể dễ dàng nhận biết thông qua các dấu hiệu kể trên.
Viêm lợi có mủ có nguy hiểm không?
Bệnh viêm lợi có mủ cho thấy rằng tình trạng nhiễm trùng ở mô nướu đã tiến triển nặng. Do đó, tình trạng này cảnh báo nhiều vấn đề nghiêm trọng nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời và đúng đắn.
Trường hợp chủ quan, bệnh có thể kéo dài và gây ra các biến chứng nguy hiểm. Bao gồm:
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa khác như viêm nha chu, viêm tủy răng, áp xe chân răng…
- Có thể gây mất răng vĩnh viễn và gây hư hại đến các răng kế cận
- Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm xoang hàm, viêm phổi…
- Trường hợp nặng có thể dẫn tới nhiễm trùng máu, mắc các bệnh tim mạch, tăng nguy cơ bị tiểu đường type 2…
Bên cạnh những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thì bệnh viêm lợi có mủ còn khiến chất lượng cuộc sống suy giảm. Các triệu chứng chảy máu, đau nhức, chảy mủ mô nướu, hôi miệng… tác động rất nhiều tới hoạt động ăn uống, giao tiếp và sinh hoạt thường ngày.
Cách xử lý khi bị viêm lợi có mủ
Như đã đề cập, viêm lợi có mủ cảnh báo tình trạng nhiễm trùng ở mô nướu đã tiến triển nặng. Do đó, các biện pháp chăm sóc đơn giản sẽ không thể khắc phục được. Để kiểm soát bệnh, cần sớm tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị. Ngoài ra, cần kết hợp chăm sóc tốt tại nhà để hỗ trợ kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tái diễn.
Khi phát hiện các triệu chứng bệnh viêm lợi có mủ, cần chú ý đến các vấn đề sau:
1. Thăm khám và điều trị y tế
Viêm lợi có mủ ảnh hưởng rất nhiều tới việc ăn uống và sinh hoạt. Hơn nữa, vi khuẩn bên trong mô nướu có thể tấn công vào các cơ quan lân cận dẫn tới nhiều biến chứng khác nhau. Do đó, bạn nên chủ động thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và có phác đồ điều trị phù hợp.
Các phương pháp điều trị y tế có thể được áp dụng bao gồm:
– Sử dụng thuốc:
Dùng thuốc đúng cách sẽ giúp làm giảm nhanh các triệu chứng đau nhức và khó chịu. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng cụ thể của người bệnh để kê toa các loại thuốc phù hợp. Các thuốc được dùng thường là:
- Paracetamol
- Thuốc bôi gây tê
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc chống viêm không steroid
- Thuốc viêm dạng men
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể khuyến nghị người bệnh bổ sung kẽm, vitamin C và các loại vitamin cần thiết để nâng đỡ thể trạng. Từ đó sẽ giúp kiểm soát nhanh ổ viêm và làm giảm các triệu chứng liên quan.
– Áp dụng các kỹ thuật nha khoa:
Trong một số trường hợp, việc dùng thuốc không thể đáp ứng với tiến triển của bệnh. Lúc này, răng có thể bị đau nhức nhiều, phần lợi liên tục chảy mủ, cơ thể mệt mỏi và sốt cao. Cần đến ngay cơ sở nha khoa để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị.
Trước hết bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám tổng quát và yêu cầu chụp X-quang quanh răng. Từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Các kỹ thuật nha khoa có thể được áp dụng bao gồm:
- Chích rạch mủ: Bác sĩ sẽ chỉ định chích rạch để dẫn lưu mủ ra bên ngoài trong các trường hợp bên trong lợi có ổ mủ lớn. Kỹ thuật này được thực hiện để loại bỏ ổ mủ. Đồng thời bảo tồn tổ chức nâng đỡ răng.
- Cạo vôi răng: Bác sĩ thường hẹn người bệnh quay trở lại tái khám sau 1 tuần chích rạch mủ. Lúc này, tình trạng viêm nhiễm đã được kiểm soát. Bác sĩ sẽ tiến hành cạo vôi răng bằng các dụng cụ chuyên dụng. Ngoài loại bỏ hại khuẩn và giảm mức độ viêm thì cạo vôi răng còn giúp ngăn ngừa viêm nha chu, sâu răng và nhiều bệnh lý nha khoa khác.
- Cắt lợi trùm: Trường hợp viêm lợi có mủ xảy ra do nướu trùm lên 1 phần hay toàn bộ răng thì bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ lợi trùm bị viêm nhiễm. Điều này giúp răng phát triển thuận lợi và giải quyết triệt để tình trạng viêm nhiễm mô nướu. Kỹ thuật cắt lợi trùm chỉ được thực hiện khi răng không bị mọc lệch và không chen chúc các răng khác trên cung hàm.
- Nhổ bỏ răng: Trong một số trường hợp, hiện tượng viêm lợi có mủ có thể xảy ra ở răng số 8. Nếu răng mọc ngầm, mọc chen chúc hay mọc lệch thì lựa chọn ưu tiên sẽ là nhổ bỏ răng sau khi tình trạng viêm đã được kiểm soát bằng thuốc. Nhổ răng không sẽ giúp giải quyết triệt để tình trạng viêm lợi có mủ. Đồng thời còn giúp ngăn ngừa các vấn đề nha khoa khác.
Trên thực tế, phần lớn các trường hợp viêm lợi có mủ đều đáp ứng tốt đối với các biện pháp điều trị y tế. Sau khoảng vài ba tuần, mô nướu sẽ dần hồi phục lại và lành hẳn.
2. Áp dụng mẹo chữa tại nhà
Ngoài việc điều trị y tế, bạn có thể áp dụng một số mẹo chữa tại nhà. Mục đích là để hỗ trợ làm giảm nhẹ triệu chứng và rút ngắn quá trình chữa lành các tổn thương.
Các mẹo chữa viêm lợi có mủ tại nhà được áp dụng phổ biến bao gồm:
– Chườm đá:
Nhiệt độ lạnh từ túi chườm có tác dụng gây tê tạm thời và làm co các mạch máu ở mô nướu. Từ đó giúp cải thiện phần nào mức độ sưng viêm và đau nhức. Người bệnh chỉ cần chuẩn bị vài ba viên đá lạnh cho vào túi chườm. Sau đó áp lên vùng má phía ngoài mô lợi bị sưng viêm. Thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/ ngày, 20 phút/ lần.
– Sử dụng nha đam:
Gel nha đam có tác dụng làm dịu niêm mạc và dưỡng ẩm hiệu quả. Do đó sẽ giúp làm giảm nhanh tình trạng sưng đau ở mô nướu. Hơn nữa, hỗn hợp các Anthraquinon trong thảo dược này còn có tác dụng chống viêm và giảm đau hiệu quả.
Chỉ cần chuẩn bị 1 nhánh nha đam tươi đem lột sạch vỏ rồi rửa sạch. Cắt phần thịt trắng thành nhiều lát mỏng. Sau đó đắp trực tiếp lên phần lợi đang bị tổn thương. Sau 5 -7 phút thì nhỏ ra, dùng nước súc miệng lại cho sạch.
– Sử dụng mật ong và bột quế:
Cả mật ong và bột quế đều chứa các thành phần giúp làm dịu niêm mạc, chống viêm và kháng khuẩn rất tốt. Hơn nữa còn giúp loại bỏ bớt mùi hôi khó chịu trong khoang miệng do bệnh viêm lợi có mủ gây ra.
Chuẩn bị 1 thìa cà phê mật ong nguyên chất trộn đều với 1/4 thìa cà phê bột quế. Dùng bàn chải lấy hỗn hợp này để chải răng nhẹ nhàng vài phút. Sau đó dùng nước ấm súc miệng lại cho sạch.
Ngoài ra, người bệnh có thể áp dụng một số mẹo chữa khác. Ví dụ như ngậm nước muối ấm, sử dụng lá trầu không, gừng tươi, dầu dừa… Tuy nhiên các mẹo chữa tại nhà chỉ giúp làm giảm nhẹ triệu chứng. Do đó không nên lạm dụng hay dùng thay thế hoàn toàn cho việc điều trị y tế.
3. Chế độ chăm sóc
Các bác sĩ chuyên khoa khuyên rằng, trong thời gian chữa trị viêm lợi có mủ, bạn cần thực hiện chế độ chăm sóc hợp lý. Điều này giúp cho mô nướu phục hồi nhanh chóng và giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu.
Thực tế ghi nhận, chăm sóc đúng cách sẽ giúp quá trình điều trị bệnh diễn ra thuận lợi hơn. Các biện pháp chăm sóc khi bị viêm lợi có mủ bao gồm:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách theo chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này sẽ giúp cho quá trình kiểm soát bệnh viêm lợi có mủ diễn ra thuận lợi hơn. Tránh dùng tăm xỉa răng hay đánh răng quá mạnh. Bởi các thói quen này có thể khiến mô nướu bị tổn thương nặng nề hơn.
- Không nên tiêu thụ các loại đồ ăn thức uống gây hại cho sức khỏe răng miệng. Ví dụ như thực phẩm khô cứng, món ăn chứa nhiều đường, gia vị cay nóng, rượu bia, cà phê, nước ngọt đóng chai…
- Điều chỉnh và duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ khi bị viêm lợi có mủ. Đây là yếu tố quan trọng giúp nâng đỡ thể trạng. Sức đề kháng tốt sẽ giúp cho quá trình kiểm soát viêm nhiễm của cơ thể diễn ra hiệu quả hơn.
- Chú ý sắp xếp thời gian đi tái khám theo đúng lịch hẹn từ bác sĩ. Tuyệt đối không chủ quan ngừng điều trị khi thấy các triệu chứng có xu hướng thuyên giảm sau khi sử dụng thuốc.
Phòng ngừa bệnh viêm nướu răng có mủ
Viêm lợi có mủ là bệnh lý nha khoa xảy ra phổ biến. Ngoài gây đau nhức, sưng viêm và chảy máu mô nướu thì bệnh còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không sớm khắc phục. Đặc biệt, bệnh lý này có nguy cơ tái phát cao sau điều trị.
Cần chủ động thực hiện một số biện pháp phòng ngừa bệnh viêm lợi có mủ sau đây:
- Chải răng đúng cách 2 – 3 lần mỗi ngày. Nên sử dụng bàn chải có lông mềm và mảnh để đánh răng. Chú ý thai bàn chải đều đặn 3 tháng/ lần để tránh gây tích tụ vi khuẩn trên lông chải và đảm bảo hiệu quả làm sạch.
- Nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng tốt hơn. Tuyệt không dùng tăm hay các vật nhọn để xỉa răng. Bởi thói quen này có thể khiến men răng và mô nướu bị tổn thương.
- Sau khi chải răng, nên sử dụng các loại nước súc miệng để loại bỏ các loại vi khuẩn tích tụ trong khoang miệng. Ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có chứa thành phần kháng khuẩn như kẽm, hexetidine, chlorhexidine, hydrogen peroxide… Chú ý sử dụng theo đúng chỉ dẫn từ nhà sản xuất.
- Dành thời gian đi thăm khám nha khoa định kỳ 6 tháng/ lần để lấy cao răng và sớm phát hiện các vấn đề tiềm ẩn.
- Không uống rượu bia hay hút thuốc lá bởi các thói quen này có thể khiến cho hệ vi sinh trong khoang miệng bị rối loạn. Từ đó tạo điều kiện cho hại khuẩn sinh sôi gây tổn thương men răng và mô nướu.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm hữu ích với sức khỏe răng miệng. Điển hình như rau xanh, trái cây tươi, trứng, sữa, đậu, hải sản… Hạn chế các loại đồ ăn thức uống có chứa nhiều đường, acid, các món ăn khô cứng và chứa nhiều gia vị cay nóng.
- Trường hợp phát hiện răng khôn mọc ngầm, mọc lệch hay chen lấn các răng khác trên cung hàm thì nên chủ động thăm khám bác sĩ. Việc nhổ bỏ là cần thiết để phòng ngừa các bệnh nha khoa, trong đó có viêm lợi có mủ.
Bệnh viêm lợi có mủ ngoài tiềm ẩn nhiều biến chứng nghiêm trọng thì còn khiến chất lượng cuộc sống suy giảm. Cần chủ động thăm khám bác sĩ và nghiêm túc điều trị để sớm kiểm soát tình trạng bệnh. Ngoài điều trị y tế, bạn nên kết hợp các mẹo chữa tại nhà và thực hiện các biện pháp dự phòng bệnh tái phát.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!