Viêm Lợi Ở Trẻ Em 2 Tuổi: Cách Trị Và Phòng Ngừa
Nội Dung Bài Viết
Viêm lợi ở trẻ em 2 tuổi thường xảy ra do thói quen vệ sinh răng miệng kém, chế độ ăn nhiều đường, ít uống nước,… Tình trạng này có thể khiến trẻ bị sưng lợi, đau nhức răng dẫn đến chán ăn, khó chịu và hay quấy khóc. Vì vậy, bố mẹ cần trang bị những thông tin hữu ích để có thể bảo vệ sức khỏe răng miệng cho con trẻ.
Viêm lợi ở trẻ em 2 tuổi – Dấu hiệu nhận biết
Viêm lợi (viêm nướu răng) là bệnh răng miệng phổ biến ở cả trẻ em và người trưởng thành. Bệnh lý này xảy ra khi nướu (lợi) bị viêm nhiễm, sưng tấy, đau nhức và dễ chảy máu. Nguyên nhân trực tiếp gây viêm lợi là do vi khuẩn thường trú trong khoang miệng phát triển mạnh ở cao răng và mảng bám. Độc tố từ vi khuẩn chính là nguyên nhân khiến nướu răng bị kích thích, trở nên tấy đỏ và nhạy cảm hơn bình thường.
Trẻ em 2 tuổi là đối tượng có nguy cơ bị viêm lợi và sâu răng cao. Ngoài ra, trẻ 1 tuổi và 3 tuổi cũng có khả năng bị viêm lợi cao do chưa thể đánh răng và thường có thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý. Mặc dù là bệnh nha khoa phổ biến nhưng viêm lợi không được điều trị có thể gây đau nhức nhiều khiến trẻ chán ăn, ăn uống không ngon miệng. Để có biện pháp điều trị kịp thời, bố mẹ cần chú ý đến những biểu hiện của bất thường của trẻ.
Viêm lợi ở trẻ em 2 tuổi thường biểu hiện qua một số triệu chứng như:
- Lợi sưng đỏ, viêm và dễ chảy máu – nhất là khi ăn uống
- Quan sát kỹ thấy chân răng bám nhiều cao răng
- Trẻ có thể nói với bố mẹ về việc cảm thấy đau nhức răng và khó chịu khi ăn uống
- Nhấn vào nướu cảm thấy mềm và nóng hơn những vùng nướu xung quanh
- Khô miệng và hơi thở có mùi
Viêm lợi là bệnh nha khoa có mức độ nhẹ nên triệu chứng không quá đặc trưng. Tuy nhiên nếu chú ý, bố mẹ có thể dễ dàng nhận thấy các biểu hiện bất thường.
Nguyên nhân gây viêm lợi ở trẻ em 2 tuổi
Viêm lợi ở trẻ em 2 tuổi có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, thói quen răng miệng kém là nguyên nhân phổ biến nhất. Việc nắm bắt nguyên nhân sẽ giúp bố mẹ dễ dàng cải thiện và phòng ngừa các vấn đề nha khoa ở con trẻ.
1. Do thói quen vệ sinh răng miệng kém
Thông thường, trẻ dưới 3 tuổi chưa thể sử dụng kem đánh răng. Lúc này, bố mẹ cần dùng bàn chải mềm chải răng cho trẻ với nước sạch hoặc dùng khăn lau sạch răng, nướu sau khi ăn uống. Nếu không vệ sinh răng miệng đúng cách, thức ăn thừa sẽ bám dính vào răng tạo thành mảng bám và cao răng. Từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, phát triển gây viêm sưng và tấy đỏ nướu.
Ngoài viêm lợi, thói quen vệ sinh răng miệng kém cũng là nguyên nhân gây sâu răng và nhiều vấn đề khác. Thực tế cho thấy, việc vệ sinh răng miệng cho trẻ không được phụ huynh chú ý nhiều. Đây chính là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ trẻ bị viêm lợi, sâu răng tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.
2. Dùng nhiều thức ăn chứa nhiều đường
Trẻ nhỏ thường yêu thích các món ăn chứa nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt, socola,… Các món ăn này chứa một lượng lớn carbohydrate. Dưới tác động của vi khuẩn, carbohydrate tạo thành axit gây hòa tan các chất khoáng trong men răng và ngà răng. Nếu không vệ sinh răng miệng đúng cách và bổ sung fluor để thúc đẩy quá trình tái khoáng, răng rất dễ bị sâu.
Ngoài ra, ăn quá nhiều thực phẩm chứa carbohydrate có thể khiến vi khuẩn trong khoang miệng phát triển mạnh. Từ đó gây kích ứng và sưng viêm lợi. Một vấn đề khác mà trẻ từ 1 – 3 tuổi phải đối mặt là hôi miệng khi dùng thức ăn chứa nhiều đường.
3. Ít uống nước – Nguyên nhân gây viêm lợi ở trẻ em 2 tuổi
Thói quen thường thấy ở trẻ nhỏ là uống rất ít nước. Trẻ thường uống sữa hoặc nước ngọt thay vì nước lọc. Ngoài tác dụng điều hòa nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón, uống đủ nước còn có vai trò quan trọng đối với sức khỏe răng miệng.
Nếu không cung cấp đủ nước, khoang miệng sẽ giảm tiết nước bọt dẫn đến tình trạng khô miệng. Từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển bên trong mảng bám và cao răng.
4. Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị viêm lợi do sử dụng kháng sinh và thuốc chống viêm chứa steroid. Các loại thuốc này đều gây rối loạn môi trường sinh lý bên trong khoang miệng, từ đó khiến cho hại khuẩn phát triển mạnh gây viêm nướu và sâu răng.
Bên cạnh đó, viêm lợi cũng có thể xảy ra do dùng một số loại thuốc gây khô miệng như thuốc chống co thắt, thuốc kháng histamine H1,… Các loại thuốc này khiến cho khoang miệng giảm tiết nước bọt và gia tăng nguy cơ bị sâu răng, viêm lợi. Nếu trong thời gian dùng thuốc, trẻ không được vệ sinh răng miệng đúng cách và thường xuyên ăn đồ ngọt, nguy cơ viêm lợi sẽ tăng lên đáng kể.
5. Một số nguyên nhân khác
Viêm lợi ở trẻ em 2 tuổi cũng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và một số yếu tố nguy cơ sau:
- Do mọc răng: Khi mọc răng, mầm răng sẽ kích thích mô nướu xung quanh khiến cho nướu bị sưng viêm và tấy đỏ. Trường hợp này thường chỉ gây đau nhức trong vài ngày và sẽ thuyên giảm khi răng mọc hoàn thiện. Tuy nhiên nếu không vệ sinh răng miệng đúng cách, mảng bám có thể tích tụ nhiều quanh răng gây viêm nhiễm nghiêm trọng.
- Do mắc các bệnh hô hấp: Ở một số trường hợp, virus gây các bệnh viêm đường hô hấp (thường là viêm VA, viêm họng, viêm amidan,…) tấn công vào nướu răng dẫn đến tình trạng sưng đau và khó chịu. Ngoài ra, sự tấn công của các virus và vi khuẩn ngoại sinh cũng khiến cho hệ miễn dịch của trẻ bi suy yếu. Đây chính là điều kiện để vi khuẩn thường trú phát triển mạnh trong mảng bám và tấn công gây viêm nhiễm, sưng tấy nướu răng.
- Một số yếu tố khác: Một số yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm lợi ở trẻ em 2 tuổi là trẻ mắc các bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch, trẻ có sức khỏe kém, hệ miễn dịch non nớt, có thói quen thở bằng miệng,…
Viêm lợi ở trẻ em 2 tuổi có ảnh hưởng gì không?
Viêm lợi là bệnh lý nha khoa khá phổ biến ở trẻ em từ 1 – 3 tuổi. Bởi đây là thời điểm trẻ chưa thể đánh răng để làm sạch răng miệng sau các bữa ăn. Hơn nữa so với răng vĩnh viễn, răng sữa có men răng mỏng và độ bền chắc kém hơn rất nhiều. Vì vậy chỉ với một tác động nhỏ, răng và nướu dễ bị hư hại, sưng viêm.
Viêm lợi là tình trạng không quá nghiêm trọng. Nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách, tình trạng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau 5 – 7 ngày. Tuy nhiên trong trường hợp chủ quan, mức độ sưng viêm sẽ trở nên nghiêm trọng dần theo thời gian, nướu sưng tấy, dễ chảy máu và miệng có mùi hôi rất khó chịu.
Viêm lợi tiến triển nặng không chỉ ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt, ăn uống của trẻ mà còn khiến bé ngại giao tiếp do hơi thở có mùi. Ngoài ra, vi khuẩn còn có thể đi sâu vào bên trong gây viêm tủy răng, áp xe răng và khiến răng sữa bị rụng sớm.
Cách điều trị viêm lợi ở trẻ em 2 tuổi
Viêm lợi ở trẻ em 2 tuổi ảnh hưởng đáng kể đến quá trình ăn uống, sinh hoạt và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề nếu không được thăm khám – điều trị sớm. Nếu chưa có thời gian đến phòng khám, phụ huynh có thể cho trẻ áp dụng một số biện pháp cải thiện tại nhà.
1. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Đối với những trường hợp viêm lợi có mức độ nhẹ, vệ sinh răng miệng đúng cách có thể cải thiện nhanh chóng các triệu chứng đau nhức, chảy máu chân răng,… Sau một thời gian, lượng vi khuẩn sẽ giảm đi đáng kể, từ đó tái thiết lập môi trường vi sinh trong khoang miệng và giảm hiện tượng viêm nhiễm ở nướu răng.
Các biện pháp vệ sinh răng miệng giúp cải thiện viêm lợi ở trẻ em 2 tuổi:
- Đối với trẻ dưới 3 tuổi, các chuyên gia không khuyến khích sử dụng kem đánh răng do trẻ có thể nuốt phải. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn có thể chải răng cho trẻ với nước sạch hoặc nước muối ấm để loại thức ăn thừa và mảng bám tích tụ trong khoang miệng. Nên chải răng cho trẻ đều đặn 2 lần/ ngày sáng và tối trước khi đi ngủ.
- Trong trường hợp trẻ không hợp tác khi đánh răng, có thể dùng khăn sữa mềm thấm nước để lau sạch răng, nướu và lưỡi của bé sau khi ăn. Ngoài ra, nên cho trẻ súc miệng với nước muối ấm để loại bỏ mảng bám và ngăn không cho vi khuẩn phát triển.
- Khuyến khích trẻ uống nước sau bữa ăn để hạn chế tình trạng thức ăn bám và giắt vào kẽ răng. Mẹ cũng có thể cho bé từ 18 tháng trở nên sử dụng các viên ngậm chứa Xylitol để kích thích bài tiết nước bọt. Sản phẩm này có thể giảm nguy cơ sâu răng, hôi miệng, viêm lợi và một số bệnh lý nha khoa khác ở trẻ nhỏ.
Mẹ nên thực hiện các biện pháp vệ sinh răng miệng ngay khi trẻ mọc chiếc răng đầu tiên. Với trẻ dưới 18 tháng tuổi, có thể dùng khăn ẩm để làm sạch. Sau đó, bắt đầu hướng dẫn trẻ chải răng với nước và súc miệng sau khi đánh răng. Đến khi trẻ đủ 3 tuổi, có thể cho trẻ sử dụng kem đánh răng để làm sạch răng miệng 2 – 3 lần/ ngày.
2. Áp dụng các biện pháp tại nhà
Viêm lợi ở trẻ em 2 tuổi gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với việc ăn uống và sinh hoạt của bé. Nếu chưa thể đưa trẻ đến phòng khám, phụ huynh có thể cho trẻ áp dụng một số biện pháp như:
- Ngậm nước muối ấm: Viêm lợi thường gây đau nhức kèm theo hiện tượng lợi tấy đỏ, sưng nóng và hôi miệng. Vì vậy, mẹ có thể cho trẻ ngậm nước muối ấm trong vài phút để cải thiện các triệu chứng này. Với đặc tính tiêu viêm, sát khuẩn tự nhiên, nước muối ấm giúp giảm sưng đau nhanh chóng và an toàn tuyệt đối với trẻ nhỏ.
- Dùng dầu dừa: Axit lauric trong dầu dừa mang lại hiệu quả cao trong việc giảm sưng và kháng khuẩn, chống nấm. Các nghiên cứu đã được thực hiện đều cho thấy, nguyên liệu này có tác dụng ức chế sự phát triển của nấm Candida, Streptococcus mutans cùng với nhiều hại khuẩn trong khoang miệng. Sau khi chải răng, mẹ nên thoa một ít dầu dừa xung quanh nướu răng của bé, để nguyên trong 10 – 15 phút và cho trẻ súc miệng lại với nước sạch.
- Sử dụng nha đam tươi: Nếu không có dầu dừa, mẹ có thể tận dụng lá nha đam tươi để giảm sưng nướu răng của bé. Hoạt chất anthraquinone trong nha đam có tác dụng tiêu viêm và kháng khuẩn mạnh. Ngoài với lượng nước và khoáng chất dồi dào, nha đam còn giúp làm mát, dịu nướu răng đang bị sưng tấy và đau nhức.
Hầu hết những nguyên liệu tự nhiên đều an toàn, lành tính với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ mang lại hiệu quả tạm thời.
3. Dùng một số loại thuốc
Trong trường hợp trẻ đau nhức răng nhiều, mẹ có thể cho bé sử dụng một số loại thuốc không kê toa như Paracetamol, thuốc giảm đau, sưng viêm dạng bôi,… Các loại thuốc này có thể dùng cho trẻ 2 tuổi nhưng cần phải tham khảo ý kiến dược sĩ để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra để giảm sưng nướu răng, có thể dùng thêm một số loại nước súc miệng dành riêng cho trẻ 2 tuổi. Các sản phẩm này sẽ góp phần tiêu diệt vi khuẩn có hại và giảm sưng viêm nướu răng trong thời gian chưa thể đưa trẻ đến phòng khám.
4. Lấy cao răng
Trẻ từ 2 tuổi đã có thể lấy cao răng và thực hiện một số kỹ thuật nha khoa đơn giản. Cao răng chính là mảng bám đã bị khoáng hóa ở thân răng và chân răng. Đây là nơi vi khuẩn trú ngụ và phát triển, sau đó bài tiết độc tố gây kích ứng và viêm nhiễm nướu răng.
Lấy cao răng là phương pháp điều trị chính đối với viêm lợi ở cả trẻ em và người lớn. Sau khi loại bỏ cao răng, phụ huynh cần thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng cho bé để ổn định môi trường sinh lý trong khoang miệng.
Phòng ngừa viêm lợi ở trẻ em từ 1, 2 và 3 tuổi
Viêm lợi là tình trạng rất phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ 1, 2 và 3 tuổi. Bởi trẻ ở độ tuổi này mới chỉ hoàn thiện bộ răng sữa nên răng còn khá yếu ớt và chưa thể sử dụng kem đánh răng. Để ngăn ngừa viêm lợi và các bệnh lý răng miệng, phụ huynh nên cho trẻ thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:
- Thực hiện các biện pháp vệ sinh răng miệng cho trẻ ngay từ khi mọc chiếc răng sữa đầu tiên. Các biện pháp này sẽ giúp cho trẻ có răng miệng chắc khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh viêm lợi rõ rệt.
- Viêm lợi thường xảy ra ở những trẻ có thói quen dùng thức ăn chứa nhiều đường như nước ngọt, sữa, bánh kẹo,… Vì vậy, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ dùng các món ăn này. Có thể thay thế bằng sữa chua, các loại hoa quả tươi hoặc tạo vị ngọt tự nhiên bằng quả chà là, mật ong,… để hạn chế nguy cơ bị sâu răng và viêm lợi.
- Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây và uống nhiều nước để hạn chế bị khô miệng. Các thói quen này cũng góp phần loại bỏ mảng bám và ngăn ngừa sự tích tụ cao răng.
- Trong thời gian trẻ dùng thuốc kháng sinh và các loại thuốc gây khô miệng, nên chú ý vệ sinh răng miệng kỹ, hạn chế thức ăn gây mảng bám và uống nhiều nước để phòng ngừa viêm lợi.
- Tập thói quen đến nha khoa kiểm tra răng miệng 6 tháng/ lần cho tất cả các thành viên trong gia đình. Thói quen này giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng cho cả bố mẹ và con trẻ.
Viêm lợi ở trẻ em 2 tuổi sẽ nhanh chóng thuyên giảm nếu được thăm khám và điều trị sớm. Trong trường hợp chủ quan, trẻ có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng như khó khăn khi ăn uống, đau nhức nhiều, áp xe răng, viêm tủy răng,… Vì vậy bên cạnh sự phát triển về thể chất, mẹ cũng cần chú ý đến sức khỏe răng miệng của trẻ trong độ tuổi này.
Tham khảo thêm:
Bình luận (1)