Bị viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai phải làm sao?
Nội Dung Bài Viết
Viêm lợi trùm răng khôn là tình trạng thường gặp ở nhiều mẹ bầu, xuất phát từ nhiều nguyên nhân như thay đổi nội tiết, trào ngược dạ dày do ốm nghén, do răng khôn mọc lệch hay ảnh hưởng các các vấn đề khác… Tuỳ theo tình trạng và mức độ bệnh mà có cách xử lý khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn xác định nên làm gì khi bị viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai.
Nguyên nhân gây viêm lợi trùm khi mang thai
Viêm lợi trùm răng khôn là tình trạng các mô nướu răng bị viêm hoặc sưng tấy quá mức, che phủ cả bề mặt của răng. Tình trạng này có thể xảy ra khi răng khôn chỉ mới nhú 1 phần, răng bị mắc kẹt trong lợi không thể phát triển bình thường. Các mô mềm trên răng khôn đã mọc một phần được gọi là túi lợi. Túi lợi này thường là nơi trú ngụ của vi khuẩn gây bệnh, gây ra tình trạng nhiễm trùng và sưng tấy tại chỗ và lan ra các khu vực khác.
Phụ nữ mang thai thường là nhóm đối tượng dễ gặp phải tình trạng viêm lợi trùm. Một số nguyên nhân gây ra tình trạng viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai có thể kể đến như:
1. Thay đổi nội tiết tố
Một trong những vấn đề thường gặp khi mang thai chính là sự thay đổi nội tiết tố trong suốt thai kỳ. Lúc này, cơ thể sẽ có sự gia tăng nồng độ hormone estrogen và progesteron. Điều này ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, có thể khiến vùng răng lợi suy yếu, dễ kích ứng. Đồng thời, lúc này cơ thể chị em ở trong trạng thái khá yếu ớt, dễ bị các vi khuẩn xâm nhập và tấn công gây ra các vấn đề về răng miệng như viêm lợi trùm răng khôn.
2. Trào ngược dạ dày thực quản
Rất nhhiều chị em gặp phải tình trạng trào ngược dạ dày thực quản khi mang thai, chủ yếu là do tình trạng ốm nghén hoặc ăn uống không điều độ, ăn quá chua, quá cay, quá nhiều gây ra. Các chất dịch từ dạ dày trào lên thực quản, cổ họng và răng miệng khiến răng khôn đang mọc bị ảnh hưởng, dễ bị viêm dẫn đến viêm lợi. Ngoài ra, hiện tượng này còn dễ gây các vấn đề về răng miệng khác như hôi miệng, mòn men răng, viêm nướu răng…
3. Răng khôn mọc lệch
Một trong số những nguyên nhân chính gây viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai chính là do sự mọc lệch, mọc sai vị trí của răng khôn. Răng khôn phát triển sau cùng nhưng lại rất dễ mọc lệch, thường đâm qua răng số 7. Lúc này răng chúng ra sẽ có khe hở khiến thức ăn len lõi và mắc vào trong kẽ hở này. Nếu không thể lấy ra hoặc vệ sinh răng miệng không sạch sẽ, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm lợi trùm răng khôn.
4. Do thay đổi thói quen ăn uống
Sự thay đổi của cơ thể do ảnh hưởng của tình trạng ốm nghén khi mang thai khiến thói quen ăn uống của chị em thay đổi. Nhiều chị em bỗng dưng thèm những món ăn thật chua, thật cay hoặc ngọt ảnh hưởng đến sức khoẻ răng miệng lẫn dạ dày. Bên cạnh đó, để đảm bảo dinh dưỡng cho sự phát triển của bé, chúng ta cần ăn nhiều thực phẩm và tăng số lượng bữa ăn. Trong khi đó, chị ăn lại không vệ sinh răng miệng kỹ, không chải răng nhiều lần, khiến vi khuẩn có cơ hội phát triển gây bệnh.
5. Nguyên nhân khác
Ngoài ra, tình trạng viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai cũng có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
- Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ: Khi mang thai, chị em thường dễ mệt mỏi, do đó chỉ chải răng 1 lần/ngày hoặc đánh răng qua loa khiến thức ăn còn sót trên răng, dẫn đến sự hình thành của các mảng bám. Từ đó tạo điều kiện phát triển cho vi khuẩn, gây viêm lợi trùm răng khôn và một số vấn đề về răng miệng khác.
- Thiếu canxi: Khi mang thai, cơ thể cần cung cấp một lượng lớn canxi cho sự phát triển của thai nhi. Thiếu hụt canxi hoặc vitamin D khiến răng khôn của mẹ không thể mọc bình thường, không được chắc khoẻ, dễ bị vi khuẩn tấn công.
- Do túi lợi va chạm với răng đối diện: Khi răng khôn mới mọc được một phần, túi lợi rất dễ bị va chạm với răng đối diện khi nhai thức ăn, điều này khiến lợi dễ tổn thương và sưng viêm.
- Do các vấn đề về răng miệng khác ảnh hưởng: Một số vấn đề về răng miệng xảy ra trước khi mang thai cũng có thể ảnh hưởng gây ra tình trạng viêm lợi trùm khi mang thai, chẳng hạn như áp xe nướu, sâu răng, viêm nha chu.
Triệu chứng viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai
Khi bị viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai, chị em có thể gặp phải một số triệu chứng sau đây:
- Sưng nướu: Vùng nướu trong cùng, ở vị trí răng không thường bị sưng đau khó chịu, ban đầu chị em sẽ thấy hơi cộm, sau đó là đau nhức nhiều. Nếu sờ vào tay hoặc nhìn kỹ sẽ thấy lợi sưng to hơn các vị trí khác.
- Đau nhức nhiều: Khi sưng viêm nặng, chị em sẽ cảm thấy đau nhức, khó chịu, đặc biệt là khi ăn uống và nói chuyện.
- Hơi thở có mùi: Hơi thở nặng mùi, có mùi khó chịu là do các vi khuẩn tập trung nhiều ở vùng nướu bị viêm, đặc biệt là những vi khuẩn kỵ khí, kỵ nước.
- Đau răng số 7: Nếu răng khôn mọc lệch, các vi khuẩn sẽ lan rộng và tấn công các vùng răng lợi xung quanh, thường gặp nhất là răng số 7. Điều này không chỉ khiến vị trí răng khôn đau nhức mà răng số 7 cũng dễ bị sưng viêm, ảnh hưởng đến việc ăn uống, nói chuyện.
- Sốt, ốm, mệt mỏi: Khi lợi bị viêm, chị em cũng có thể gặp phải tình trạng sốt cao, người mệt mỏi, khó chịu.
- Nổi hạch: Nổi hạch là phản ứng bình thường của cơ thể khi bị nhiễm trùng. Bạn có thể bị sưng hạch bạch huyết ở cổ.
- Khó khép kín hàm răng, miệng: Lợi sưng to, trùm răng khôn khiến hàm không thể khít lại dẫn đến việc khó khép kín hàm nhai như bình thường.
Viêm lợi trùm răng khôn có nguy hiểm cho mẹ và bé không?
Thực tế, viêm lợi trùm răng khôn là tình trạng thường gặp, tuy nhiên nó lại ảnh hưởng nhiều đến việc ăn uống và chất lượng cuộc sống của mẹ bầu. Rất nhiều mẹ thắc mắc không biết viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai có nguy hiểm không, có ảnh hưởng gì đế bé không. Tình trạng này không nguy hiểm đến tính mạng, cơ thể có thể sản sinh kháng thể để chống lại các tác nhân gây hại.
Tuy nhiên, chị em cũng không nên chủ quan, tuỳ vào tình trạng bệnh mà có biện pháp can thiệp phù hợp. Nếu không được quan tâm và xử lý đúng cách, bệnh lý răng miệng này có thể gây ra một số vấn đề như:
- Thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của bé
- Mất ngủ, khó ngủ, ngủ không đủ giấc ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và sự phát triển của bé
- Áp xe lợi trùm, viêm nướu răng
- Lung lau chân răng với trường hợp nhiễm trùng nặng.
Nếu tình trạng này kéo dài, chị em nên nhanh chóng thăm khám bác sĩ để có biện pháp can thiệp đúng cách. Việc chẩn đoán thường dựa trên thăm khám lâm sàng kết hợp với các triệu chứng của bệnh.
Cách xử lý khi bị viêm lợi trùm khi mang thai
Tuỳ vào tình trạng và mức độ sưng viêm mà chúng ta sẽ có biện pháp xử lý phù hợp. Có rất ít loại thuốc điều trị dành cho phụ nữ mang thai. Do đó, việc sử dụng thuốc chỉ nên áp dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Nếu bị viêm lợi trùm khi mang thai, bạn có thể:
1. Áp dụng phương pháp điều trị tại nhà
Các biện pháp điều trị tại nhà thường đơn giản, dễ thực hiện lại an toàn, không gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Một số biện pháp hỗ trợ điều trị viêm lợi trùm mà chị em có thể áp dụng tại nhà như:
- Dùng mật ong: Mật ong giàu chất chống oxy hoá, có tính kháng khuẩn, kháng viêm và giàu vitamin cùng khoáng chất. Dùng mật ong có thể giúp giảm sưng viêm, hỗ trợ làm lành các tổn thương. Bạn có thể vệ sinh răng miệng sạch sẽ, dùng tăm bông chấm mật ong rồi thoa lên lợi, sau 15 phút thì rửa lại với nước. Hoặc có thể trộn mật ong với một ít nước cốt chanh, thoa lên lợi, sau 15 – 20 thì súc lại miệng. Thực hiện nhiều lần trong ngày, trong nhiều ngày để thấy cải thiện.
- Dùng tỏi chữa viêm lợi trùm: Tỏi chứa allicin, sulfur, glucogen và Fitonxit có khả năng kháng viêm, tiêu viêm, sát trùng, giảm đau… rất thích hợp để chữa viêm lợi trùm. Bạn lấy 2 – 3 tép tỏi, giã nát, trộn với ít muối rồi đắp lên vùng lợi bị viêm. Kiên trì thực hiện nhiều lần trong ngày.
- Dùng túi trà đã sử dụng: Túi trà đã pha có chứa axit tannic, có khả năng giảm viêm, giảm đau do viêm lợi trùm gây ra. Bạn có thể lấy túi trà đặt lên lợi 5 phút, sau đó lấy ra rồi súc lại miệng với nước sạch.
- Dùng lá trầu không: Lá trầu không có hoạt tính sinh hoạt cao, chứa beta – phenol và chavicol giúp chữa các vấn đề về răng miệng như viêm lợi trùm răng khôn, sâu răng, viêm nha chu. Bạn lấy 1 nắm lá trầu không rửa sạch, hãm với 250ml nước sôi, thêm 1 ít muối hạt, sau 5 – 7 phút thì dùng nước này súc miệng.
2. Thăm khám bác sĩ
Nếu tình trạng viêm lợi trùm răng khôn kéo dài trên 5 ngày hoặc mẹ bầu cảm thấy đau nhức nghiêm trọng, các biện pháp trên không giúp giảm đau, không thấy chuyển biến thì nên thăm khám nha khoa. Việc thăm khám sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân, xác định tình trạng sưng viêm và có phương pháp điều trị phù hợp. Đa phần với mẹ bầu, các bác sĩ sẽ chỉ định một số nước súc miệng và thuốc điều trị dành cho bà bầu. Khi dùng thuốc, tuyệt đối không tự ý tăng giảm liều lượng hay tự ý ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Làm gì khi bị viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai?
Bên cạnh các cách xử lý đã đề cập, bạn cũng cần thay đổi thói quen chăm sóc răng miệng, thói quen ăn uống để hỗ trợ quá trình điều trị, giúp răng chắc khoẻ hơn. Cụ thể:
1. Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối sẽ là cách diệt khuẩn cho răng miệng hiệu quả. Muối có tính sát trùng, sát khuẩn cao, không chỉ có thể hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn trong răng miệng mà còn giúp ngăn ngừa sự tấn công của các vi khuẩn gây bệnh về hô hấp. Bạn có thể dùng một ít muối pha với nước ấm hoặc dùng nước muối sinh lý 0,9% để súc miệng 2 – 3 lần/ngày. Tuyệt đối không pha nước muối quá mặn để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ răng miệng, làm mòn răng.
2. Thay đổi thói quen chăm sóc răng miệng
Mang thai là một hành trình ngọt ngào nhưng vô cùng vất vả. Thế nhưng, dù mệt mỏi đến đâu mẹ cũng đừng quên chăm sóc sức khoẻ bản thân nhé. Khi bị viêm lợi trùm răng không khi mang thai, thậm chí dù không bị, mẹ cũng nên chăm sóc răng miệng cẩn thận. Hãy nhớ:
- Chải răng ít nhất 2 lần/ngày, có thể chải răng cả sau khi ăn 30 phút để làm sạch răng miệng và mảng bám
- Nên dùng chỉ nha khoa, nhất là khi sử dụng các thức ăn dai, dễ dính răng như thịt bò, thịt gà, thịt vịt
- Nên thay bàn chải 3 tháng/lần, nếu dùng bàn chải điện thì nên thay đầu bàn chải định kỳ.
3. Thay đổi thói quen ăn uống
Trong thời kỳ mang thai, những gì mẹ ăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi và sức khoẻ sau này của bé. Do đó, mẹ cần thận trọng trong quá trình ăn uống. Nên ăn nhiều bữa nhỏ, không nên ăn quá no hoặc bỏ bữa. Ngoài ra, mẹ cần:
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ăn đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho bé.
- Nên tránh xa các thực phẩm cay nóng, thức ăn quá chua, quá lạnh, quá nóng, quá cứng để tránh làm tổn thương nướu. Thay vào đó, nên chọn các thực phẩm mềm, dễ nuốt.
- Tuyệt đối không sử dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê, chất kích thích, nước ngọt có ga… Những thức uống này không những không tốt cho bé mà còn làm tình trạng viêm lợi của mẹ trở nên nghiêm trọng hơn.
- Uống đủ nước mỗi ngày, tuỳ vào cơ địa mà mẹ có thể uống từ 2 – 2,5 lít nước gồm nước canh, nước lọc, nước ép trái cây…
- Quả việt quất cũng rất tốt cho bé và có thể hỗ trợ điều trị các vấn đề về răng miệng. Do đó, mẹ đừng bỏ qua loại siêu thực phẩm này nhé.
Trên đây là một số thông tin giúp bạn có cách xử lý phù hợp khi bị viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai. Nếu tình trạng này nghiêm trọng khiến mẹ không thể ăn uống, nói chuyện hay ngủ ngon giấc, tốt nhất nên nhanh chóng thăm khám nha khoa để có biện pháp xử lý phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!