Viêm nang lông có tự hết không? Có chữa khỏi được không?
Nội Dung Bài Viết
Viêm nang lông là căn bệnh da liễu phổ biến, không nguy hiểm và không dẫn đến biến chứng phức tạp. Tuy nhiên, vấn đề này có xu hướng diễn biến kéo dài và tái phát thường xuyên, gây mất thẩm mỹ cũng như ảnh hưởng tới tâm lý bệnh nhân. Vậy viêm nang lông có tự hết không? Có chữa khỏi được không?
Viêm nang lông có tự hết không?
Viêm nang lông là tình trạng viêm nhiễm lỗ chân lông do các tác nhân như: bụi bẩn, vi nấm, vi khuẩn, nội tiết tố… gây ra. Bệnh lý này khởi phát với nhiều mụn mủ, mụn đầu trắng hoặc nốt sần đỏ trên da. Chúng thường mọc rải rác ở vùng nách, khuôn mặt, da đầu, tay chân…
Tuy không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể nhưng bệnh viêm nang lông có thể khiến bệnh nhân ngứa ngáy, khó chịu và gặp phải nhiều bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nếu xuất hiện trên khuôn mặt, tình trạng này sẽ khiến người bệnh trở nên lo lắng, tự ti về diện mạo của mình.
Khi bước vào giai đoạn tồi tệ, bệnh viêm nang lông sẽ dẫn đến biến chứng nhiễm trùng da trên diện rộng, gây tổn thương sâu tế bào da, hình thành sẹo xấu, kích thích một số bệnh lý da liễu khác, thậm chí gây rụng tóc vĩnh viễn.
Như vậy, bệnh viêm nang lông có tự hết không? Lời giải đáp của câu hỏi này phụ thuộc hoàn toàn vào mức độ bệnh lý trong từng trường hợp cụ thể. Nếu được chăm sóc cẩn thận, bệnh viêm nang lông thể nhẹ sẽ tự khỏi nhanh chóng chỉ sau một khoảng thời gian ngắn. Thế nhưng, sau đó, vấn đề này vẫn có thể khởi phát thường xuyên.
Nếu bị viêm nang lông nghiêm trọng, bệnh nhân cần thăm khám trực tiếp và điều trị kịp thời để nhằm chủ động cải thiện triệu chứng cũng như phòng tránh nhiều biến chứng phức tạp.
Thời gian điều trị sẽ tùy thuộc vào đặc điểm cơ địa, tình trạng viêm nhiễm cùng khả năng đáp ứng của cơ thể với các phương pháp chữa bệnh. Thông thường, bệnh viêm nang lông thể nhẹ sẽ nhanh chóng biến mất chỉ sau 3 – 5 ngày. Trong khi đó, nếu bệnh diễn biến xấu đi, bạn cần điều trị trong vòng 2 – 3 tuần, thậm chí 1 – 2 tháng.
Bệnh viêm nang lông có chữa được không?
Tuy bệnh viêm nang không tự hết được nhưng chúng ta có thể điều trị và ngăn ngừa vấn đề này một cách dễ dàng. Bệnh lý bao gồm hai dạng là viêm nang lông cấp tính và viêm nang lông mạn tính. Thậm chí, nếu mắc phải viêm nang lông mạn tính, người bệnh vẫn có thể được chữa khỏi bằng một số phương pháp chuyên sâu.
Đối với tình trạng viêm nang lông thể nhẹ và trung bình, bệnh nhân có thể kết hợp uống thuốc Tây, sử dụng kem dưỡng với một số biện pháp chăm sóc làn da theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Trong đa số trường hợp, bệnh lý này không để lại sẹo xấu như các vấn đề nhiễm trùng khác.
Nếu bị viêm nang lông nghiêm trọng, quá trình điều trị sẽ trở nên phức tạp và kéo dài. Để phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng sâu và viêm mô tế bào, bạn cần thực sự kiên nhẫn trong thời gian chữa bệnh. Một số ít bệnh nhân đã bị sẹo xấu, mất lông hoặc rụng tóc vĩnh viễn vì lỗ chân lông bị mất nang hoàn toàn sau khi đẩy lùi bệnh lý thành công.
Căn cứ vào mức độ nặng nhẹ của bệnh viêm nang lông, bác sĩ chuyên khoa sẽ kê đơn thuốc kháng sinh erythromycin, cephalexin hoặc một số loại kem bôi phổ biến như: clindamycin, mupirocin và erythromycin.
Nếu bị viêm nang lông kèm theo triệu chứng ngứa ngáy dai dẳng, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng hydrocortisone 1% khoảng 3 – 5 ngày. Loại thuốc này có công dụng giảm ngứa vô cùng nhanh chóng và hiệu quả. Nếu bị viêm nang lông kèm nhiễm nấm, bạn sẽ được cạo nấm và uống thêm một số loại thuốc kháng nấm phù hợp.
Khi nào bệnh nhân cần đi thăm khám?
Tương tự các vấn đề nhiễm trùng, viêm da khác, bệnh viêm nang lông có xu hướng diễn biến dai dẳng, kéo dài và dễ dàng tái phát khi gặp được điều kiện thuận lợi (thời tiết nóng – ẩm, môi trường ô nhiễm…). Bệnh lý này chỉ được điều trị tận gốc khi vi nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng bị tiêu diệt hoàn toàn trước khi phát sinh biến chứng.
Nếu không được chữa trị đúng cách và triệt để, bệnh viêm nang lông có thể gây nổi mụn nhọt thành cụm và viêm mô dưới da. Người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức khi phát hiện các triệu chứng nghiêm trọng dưới đây:
- Cơ thể cảm thấy ngứa ngáy khó chịu
- Nang lông tích mủ và hình thành nhiều mảng lớn
- Làn da xuất hiện ổ gà, đinh râu, mụn nhọt
- Mụn nhọt sưng đỏ, phát triển lớn dần và mưng mủ theo thời gian
- Mụn nhọt có ngòi trắng bên trong, dẫn đến tình trạng căng phồng và gây đau đớn
- Nang lông xuất hiện dịch vàng loang lổ khi mụn nhọt vỡ ra
Khi viêm nang lông chuyển thành mụn nhọt, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý nặn mủ bằng tay. Nếu mụn mủ vỡ ra, độc giả có thể bị nhiễm trùng lỗ chân lông sâu, viêm da hoặc hoại tử nang lông. Thậm chí, nếu vi khuẩn tận dụng thời cơ này để xâm nhập vào vết thương hở, bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng máu.
Do đó, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường của bệnh viêm nang lông, người bệnh nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt trước khi xuất hiện biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, bạn cần tuân thủ nghiêm túc mọi chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa, giữ gìn vệ sinh thân thể, hạn chế cào gãi vùng da viêm nhiễm, đồng thời điều chỉnh thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống.
Phương pháp điều trị bệnh viêm nang lông
Quá trình chữa bệnh viêm nang lông tương đối đơn giản, dễ dàng, không đòi hỏi chúng ta tốn quá nhiều thời gian hay công sức. Bệnh nhân có thể điều trị bệnh lý bằng cách kết hợp dùng thuốc Tây y hoặc áp dụng bài thuốc Đông y với một số mẹo chăm sóc da tại nhà.
Sử dụng thuốc Tây
Phương pháp điều trị này thích hợp với các trường hợp nang lông phù nề, nổi mẩn đỏ lớn – nhiều và các tổn thương nang lông có xu hướng lan rộng. Một số loại thuốc Tây thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định điều trị bệnh viêm nang lông là:
- Dung dịch sát khuẩn: Dung dịch sát khuẩn thoa lên vị trí viêm nhiễm để sát khuẩn, khử trùng và cản trở sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Một số dung dịch sát khuẩn phổ biến là: hexamidine 0.1%, chlorhexidine 4%, povidon Iod 10%…
- Thuốc bôi: Với đặc tính kháng viêm, loại thuốc này giúp giảm ngứa, chống phù nề và ức chế quá trình hoạt động của vi khuẩn gây bệnh. Các loại thuốc bôi điều trị viêm nang lông bao gồm: thuốc bôi kháng virus, thuốc bôi kháng sinh, kem bôi permethrin, thuốc bôi chứa benzoyl peroxide…
- Thuốc uống: Thuốc kháng sinh đường uống và thuốc kháng virus là hai loại thuốc điều trị bệnh viêm nang lông phổ biến hiện nay. Bên cạnh đó, thuốc kháng sinh histamin dạng uống cũng có thể xử lý tình trạng dị ứng.
Trong quá trình chữa bệnh bằng thuốc Tây y, người bệnh cần thường xuyên thăm khám để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán chính xác và đánh giá cụ thể tình trạng bệnh lý, từ đó vạch ra phác đồ điều trị an toàn, phù hợp. Bạn hãy tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ và tuyệt đối không tự ý thay đổi loại thuốc hay điều chỉnh tần suất – liều lượng.
Áp dụng bài thuốc Đông y
Y học cổ truyền quan niệm, nếu nhiệt độc, hỏa độc bên trong cơ thể không hóa giải được, theo thời gian, chúng sẽ tích tụ ở nang lông để gây nên tình trạng viêm nhiễm. Đây chính là căn nguyên sâu xa của bệnh viêm nang lông. Bệnh lý này thường xuất hiện với triệu chứng tấu lý, bì phù, sưng đau – nóng đỏ tại vùng da tổn thương.
Hiện nay, các thầy thuốc Đông y đã nghiên cứu và tìm ra một số bài thuốc chữa bệnh viêm nang lông vô cùng hiệu nghiệm như sau:
- Bài thuốc uống: Sắc kỹ 8g cam thảo dây, 8g kinh giới, 12g cỏ xước, 12g liên kiều, 12g thổ phục linh, 16g ké đầu ngựa, 20g kim ngân và 40g đỗ đen sao, uống 1 thang/ngày cho đến khi bệnh tình thuyên giảm
- Bài thuốc ngâm rửa: Nấu kỹ lá kinh giới và lá trầu không, sau đó dùng nước thuốc ngâm rửa vị trí viêm nhiễm khi nước nguội đi
- Bài thuốc đắp tại chỗ: Chuẩn bị một lượng hoa cúc trắng vừa đủ, giã nhuyễn dược liệu với một chút muối hạt rồi bôi trực tiếp lên vùng da tổn thương, giữ nguyên trong vòng 30 phút trước khi rửa lại bằng nước sạch
Lưu ý, ba bài thuốc này chỉ mang tính chất tham khảo. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, thầy thuốc sẽ xem xét gia giảm liều lượng và điều chỉnh thành phần sao cho phù hợp.
Nếu muốn kết hợp sử dụng cả thuốc Tây y lẫn Đông y, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa kỹ lưỡng nhằm hạn chế rủi ro gặp phải tác dụng không mong muốn. Ngoài ra, châm cứu cũng là kỹ thuật điều trị viêm nang lông hiệu quả mà bạn có thể cân nhắc.
Chăm sóc làn da tại nhà
Ba mẹo dân gian sau được nhiều người bệnh tin tưởng thực hiện bởi tính chất an toàn, lành tính, đơn giản và hiệu quả. Tuy nhiên, cách làm này chỉ phù hợp với những trường hợp viêm nang lông thể nhẹ.
Chườm đắp bằng nước muối
Độc giả có thể chườm đắp nước muối pha loãng trực tiếp lên vùng da tổn thương khi bị sưng nhiều và cảm thấy ngứa ngáy. Bí quyết này giúp giảm sưng, ngừa ngứa, xoa dịu làn da và phòng ngừa viêm nhiễm.
Cách thực hiện
- Hòa tan 2 muỗng cà phê muối trong ly nước lọc 200ml rồi bỏ vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 5 phút
- Vệ sinh vùng da cần điều trị thật sạch sẽ, lau khô bằng khăn mềm
- Lấy nước muối ra khỏi tủ lạnh, thấm gạc y tế vào dung dịch, sau đó chườm đắp trực tiếp lên vị trí viêm nhiễm
- Áp dụng 2 lần/ngày
Thoa dầu dừa
Với khả năng hoạt động tương tự một chất kháng sinh tự nhiên, hoạt chất monolaurin có thể triệt tiêu vi khuẩn ẩn sâu trong nang lông, đồng thời đẩy lùi tình trạng nhiễm trùng, sưng viêm. Không chỉ dừng lại ở đó, hàm lượng vitamin A, E, D dồi dào của dầu dừa còn giúp hạn chế kích ứng, dưỡng ẩm làn da và cải thiện những cơn đau ngứa.
Cách thực hiện
- Vệ sinh vùng da cần điều trị thật sạch sẽ, lau khô bằng khăn mềm
- Bôi trực tiếp một lượng dầu dừa vừa đủ lên vị trí tổn thương và massage nhẹ nhàng trong vòng 10 phút
- Rửa lại bằng nước mát
Bôi mật ong nguyên chất
Đây là một trong những giải pháp chăm sóc vùng da viêm nang lông tại nhà vô cùng hiệu nghiệm mà bạn không thể bỏ qua. Với đặc tính chống viêm, kháng khuẩn, mật ong có thể nuôi dưỡng làn da, củng cố hàng rào bảo vệ tế bào, tăng cường sức đề kháng tự nhiên cũng như hỗ trợ điều trị bệnh lý.
Cách thực hiện
- Vệ sinh vùng da cần điều trị thật sạch sẽ, lau khô bằng khăn mềm
- Thoa trực tiếp một lượng mật ong vừa đủ lên vị trí tổn thương và massage nhẹ nhàng khoảng 3 – 5 phút
- Rửa lại bằng nước ấm
Bên cạnh phương pháp điều trị theo Tây y, áp dụng bài thuốc Đông y và tự chữa bệnh tại nhà bằng mẹo dân gian, bệnh nhân cần chú ý một số vấn đề sau:
- Vệ sinh thân thể cẩn thận, tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo thường xuyên
- Đảm bảo vùng da tổn thương luôn khô thoáng
- Lựa chọn xà phòng dịu nhẹ, trung tính, không chứa thành phần gây kích ứng
- Tuyệt đối không cào gãi vùng da ngứa ngáy hay nặn mủ mụn nhọt
- Tránh cạo lông, tẩy lông ở vị trí cần điều trị
- Chỉ tẩy tế bào chết toàn thân khi đã chữa bệnh dứt điểm
- Luôn dùng kem chống nắng khi ra ngoài và tẩy trang kỹ lưỡng lúc về nhà
- Hạn chế dùng mỹ phẩm cùng các sản phẩm chăm sóc da, nếu buộc phải sử dụng, hãy lựa chọn những sản phẩm được chiết xuất từ tinh chất thiên nhiên an toàn, lành tính, phù hợp với cơ địa và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng
- Bổ sung nhiều nước
- Tăng cường dung nạp trái cây, rau xanh cùng một số thực phẩm hỗ trợ quá trình chữa bệnh
Như vậy, lời giải đáp cụ thể và chính xác nhất cho thắc mắc “Bệnh viêm nang lông có tự hết không? Có chữa khỏi được không?” phụ thuộc vào cơ địa và mức độ bệnh lý của mỗi bệnh nhân. Do đó, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường, bạn cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để chủ động điều trị dứt điểm và phòng ngừa biến chứng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!