Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh gout nên thực hiện
Nội Dung Bài Viết
Thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán bệnh gout là điều cần thiết trong trường hợp phát hiện các triệu chứng bất ổn như đau nhức, sưng phù các khớp tay chân. Điều này sẽ giúp điều trị bệnh kịp thời và ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh gout là gì?
Bệnh gout (gút) hay còn được gọi là bệnh thống phong trong khái niệm của Đông y. Đây là căn bệnh xảy ra do sự rối loạn chuyển hóa purin trong cơ thể, làm tăng nồng độ axit uric trong máu, đồng thời khả năng đào thải axit uric bị suy giảm và tạo điều kiện hình thành các tinhu thể urat lắng đọng tại các khớp cơ xương và nhiều vị trí khác trong cơ thể.
Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh gout đó là gây ra các cơn đau nhức dữ dội, kéo dài âm ỉ, vùng khớp bị đau có thể sưng đỏ, viêm tấy và căng cứng, các cơn đau thường xuất hiện vào ban đêm gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, người bệnh dễ mệt mỏi, stress và làm giảm chất lượng cuộc sống, nặng hơn là gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến khả năng vận động, đi lại.
Vì vậy, việc thực hiện xét nghiệm gout càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện các triệu chứng đau nhức bất thường tại các khớp là việc làm cần thiết nhất ngay lúc này. Về cơ bản, xét nghiệm gout là xét nghiệm giúp kiểm tra chỉ số axit uric trong máu và nước tiểu, dựa vào kết quả xét nghiệm sẽ đưa ra kết quả chẩn đoán bệnh chính xác.
Ngoài ra, trong một vài trường hợp đặc biệt bác sĩ nghi ngờ người bệnh đang bị bệnh gout ở giai đoạn cấp tính nhưng kết quả xét nghiệm chỉ số axit uric không cao thì có thể sẽ phải thực hiện thêm một vài xét nghiệm khác để kiểm tra mức độ chuyển biến cũng như các biến chứng của bệnh.
Các triệu chứng gợi ý của bệnh gout
Thực hiện xét nghiệm chẩn đoán bệnh gout càng sớm thì việc điều trị bệnh gout càng đơn giản và nhanh chóng hơn. Vì vậy, việc nắm được các triệu chứng cơ bản nhận biết và sớm đi xét nghiệm cũng là điều hết sức quan trọng.
Triệu chứng bệnh gout cấp tính
Những người mắc bệnh gout cấp tính thường có những triệu chứng cơ bản sau:
- Cơn đau đầu tiên thường khởi phát ở ngón chân cái, sau đó những cơn đau nhức thường lan sang hết các ngón khác và hầu hết các chi.
- Mức độ đau nhức dữ dội, thậm chí không chịu nổi, gây cảm giác nóng rát, khó chịu và ăn ngủ không ngon. Hầu như các cơn đau thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm.
- Sau khi cơn đau qua đi, vùng khớp bị đau thường bị ngứa và bong tróc, những vùng xung quanh khớp bị đau nhức ê ẩm, bị đỏ tím giống như bị nhiễm trùng.
- Kèm theo đó là tình trạng sốt cao, khó thở, lạnh tay chân và gây hạn chế trong việc vận động.
Triệu chứng của bệnh gout mạn tính
Bệnh gout mạn tính là bệnh gout ở giai đoạn cấp nhưng không điều trị hoặc việc điều trị không đạt hiệu quả tối ưu. Một số triệu chứng điển hình ở giai đoạn này như:
- Các cơn đau xuất hiện với tần suất ít hơn khoảng vài tháng hoặc 1 năm mới xuất hiện 1 lần.
- Tuy nhiên, nếu xuất hiện các cơn đau liên tiếp thì các cơn đau có đặc điểm nhanh biến mất nhưng mức độ đau lại rất nặng nề.
- Gây tổn thương nghiêm trọng đến các khớp như ngón chân cái, khớp bàn tay, bàn chân, khớp gối, khớp khuỷu tay, khớp cổ chân…gây ảnh hưởng đến chức năng vận động của người bệnh.
- Xuất hiện các hạt tophi ở bên cạnh những vùng khớp bị tổn thương hoặc ở vành tai. Đây cũng chính là dấu hiệu cho thấy tình trạng bệnh của bệnh nhân đã ở mức báo động cực kỳ nguy hiểm.
Các loại xét nghiệm gout cơ bản hiện nay
Để chắc chắn rằng người bệnh có bị gout hay không thì bác sĩ thường sẽ chỉ định thực hiện 4 xét nghiệm cơ bản sau:
Xét nghiệm sinh hóa máu axit uric máu (AU)
Hầu hết những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh gout đều sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm AU. Khi thực hiện xét nghiệm này cũng chính là người bệnh đang tiến hành kiểm tra nồng độ axit uric trong máu. Tùy vào kết quả xét nghiệm của từng người bệnh mà bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác liệu bạn có đang mắc bệnh gout hay không.
Ở lần thực hiện xét nghiệm đầu tiên nếu cho ra kết quả bình thường, tức là không bị gout thì có thể sẽ được chỉ định thực hiện thêm vài lần nữa để đảm bảo kết quả chính xác nhất. Bởi theo thống kê thì có đến 40% trường hợp người bị gout cấp tính có chỉ số AU bình thường trong lần thực hiện xét nghiệm đầu tiên.
Xét nghiệm chỉ số axit uric niệu 24h
Thường thì xét nghiệm chỉ số AU thông qua nước tiểu sẽ được chỉ định trong những trường hợp bác sĩ khẳng định người bệnh đã bị gout với tỷ lệ cao thông qua các biện pháp thăm khám lâm sàng.
Thực hiện xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ đánh giá được tốc độ đào thải axit uric thông qua cơ quan tiết niệu, từ đó chẩn đoán nguyên nhân khiến nồng độ axit uric trong máu cao là do bài tiết kém hay do cơ thể tăng sinh axit uric, từ đó đưa ra biện pháp điều trị phù hợp nhất.
Xét nghiệm dịch khớp
Đối với những người có triệu chứng mắc bệnh gout lâu năm sẽ gây ra những cơn đau nhức kéo dài. Chính vì vậy, thực hiện xét nghiệm dịch khớp sẽ được chỉ định trong những trường hợp này.
Dịch khớp được hút ra và đem đi xét nghiệm phân tích, nếu phát hiện có sự tồn tại của các tinh thể urat thì chắc chắn là bệnh gout, còn nếu không có thì có thể là bệnh viêm khớp thông thường hoặc các bệnh lý khác để có hướng điều trị thích hợp.
Xét nghiệm chức năng thận
Khi bệnh gout ở giai đoạn nặng, các tinh thể urat không chỉ lắng đọng trong các khớp mà còn tồn tại ở nhiều vị trí khác nhau như gan, tim, não và thận…Chính vì vậy, hầu hết những người mắc bệnh gout đều sẽ đi kèm với những bệnh lý khác trong đó có các bệnh lý về thận như suy thận, sỏi thận, viêm cầu thận…cực kỳ nguy hiểm.
Lúc này, để có thể đánh giá được mức độ và diễn tiến của bệnh gout người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm chức năng thận để có kết quả chính xác nhất. Một số xét nghiệm chức năng thận phổ biến như xét nghiệm ure máu, xét nghiệm creatinin huyết thanh, siêu âm thận, xét nghiệm tế bào niệu…
Ngoài các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán bệnh gout vừa kể trên thì tùy vào độ phức tạp của từng trường hợp mắc bệnh mà người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các chẩn đoán hình ảnh kèm theo để đảm bảo kết quả chẩn đoán cuối cùng chính xác nhất.
Có thể kể đến như:
- Chụp X-quang khớp
- Chụp CT Scan khớp
- Siêu âm
- …
Hướng dẫn quy trình lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán bệnh gout
Tùy vào từng mẫu bệnh phẩm mà quy trình lấy mẫu sẽ khác nhau. Theo đó:
Đối với mẫu bệnh phẩm máu
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh gout bằng cách sử dụng mẫu máu sẽ được tiến hành theo quy trình các bước sau:
- Bước 1: Sát trùng vị trí sắp lấy máu bằng cồn y tế
- Bước 2: Buộc dây garo vào vùng tay để duy trì áp lực, hạn chế lượng máu lưu thông qua tĩnh mạch mạch, giúp vị trí chuẩn bị lấy máu căng phồng lên để dễ dàng đâm kim tiêm và lấy máu.
- Bước 3: Đâm kim tiêm vào đúng vị trí tĩnh mạch và rút một ống máu vừa đủ. Lưu ý kim tiêm lấy máu phải là loại kim tiêm nhỏ.
- Bước 4: Tháo dây garo ra để máu lưu thông lại bình thường.
- Bước 5: Rút kim tim và bán băng gạc vào vị trí vừa lấy máu để cầm máu.
- Bước 6: Cho mẫu máu thu được vào ống xilanh hoặc trong lọ thủy tinh đã sát trùng hút chân không có ghi đầy đủ họ tên của người bệnh để bảo quản đợi tiến hành phân tích xét nghiệm.
- Lưu ý máu được chứa bên trong ống xilanh phải có chứa chất chống đông để ngăn chặn tình trạng quá trình đông máu làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Đối với mẫu bệnh phẩm nước tiểu
Tùy theo đặc điểm của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ yêu cầu lấy nước tiểu trong 24 giờ hoặc chỉ lấy một lần.
Quy trình lấy nước tiểu 1 lần
- Bước 1: Người bệnh phải vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ rồi đi tiểu. Phần nước tiểu đầu và cuối cho riêng vào một bô, phần nước tiểu giữa cho riêng vào một bô khác.
- Bước 2: Điều dưỡng sẽ tiến hành lấy khoảng 20ml nước tiểu giữa cho vào ống nghiệm và đậy kín.
- Bước 3: Đưa mẫu bệnh phẩm và giấy xét nghiệm đến phòng xét nghiệm.
- Bước 4: Xử lý và làm sạch tất cả dụng cụ lấy mẫu theo đúng quy định.
Quy trình lấy nước tiểu 24 giờ
- Để lấy nước tiểu trong vòng 24 giờ bắt buộc phải sử dụng hóa chất bảo quản: 1 giọt dung dịch formol hoặc phenol tương ứng với 30ml nước tiểu, 1ml thymol 1% trong rượu tương ứng với 100ml nước tiểu. Sau đó, cứ tăng dần từ từ theo số lượng nước tiểu của bệnh nhân.
- Để lấy mẫu nước tiểu phù hợp, người bệnh sẽ được căn dặn lấy nước tiểu trong cả ngày, bao gồm cả nước tiểu khi đi đại tiện, sau khi đi xong đậy nắp bô và để ở chỗ mát.
- Vào lần đi tiểu cuối cùng sẽ được quy định giờ sẵn, sau khi đi xong điều dưỡng sẽ tiến hành đo và ghi số lượng nước tiểu trong ngày vào trong bảng theo dõi.
- Tiến hành lấy mẫu nước tiểu theo yêu cầu vào trong ống nghiệm và đưa đến phòng xét nghiệm.
Các chỉ số xét nghiệm chẩn đoán bệnh gout có ý nghĩa gì?
Đối với một người bình thường, nồng độ axit uric trong máu sẽ dao động trong mức sau:
- Nam giới: 210 – 420 μmol/L.
- Nữ giới: 150 – 350 μmol/L.
Đối với người bình thường, nồng độ axit uric trong nước tiểu dao động trong khoảng 2,2 – 5,5 nmol/L/24h.
Nếu phát hiện nồng độ axit uric cao vượt mức bình thường này chứng tỏ cơ thể bạn đang sản sinh nhiều axit uric hoặc suy giảm chức năng thận khiến axit uric không được đào thải ra khỏi cơ thể.
Kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu sẽ là cơ sở để bác sĩ chẩn đoán chính xác liệu bạn có đang mắc bệnh gout hay không.
Thông thường, ở giai đoạn đầu khi nồng độ axit uric chỉ mới tăng cao chứ chưa gây ra các triệu chứng lâm sàng thì chưa được gọi là bệnh gout mà chỉ gọi là “Chứng tăng axit uric máu”. Tuy nhiên, cho đến khi axit uric tăng cao và duy trì ở mức này trong thời gian dài và gây ra các cơn gour cấp về đêm thì mới chính xác là bệnh gout.
Một số lưu ý khi thực hiện xét nghiệm chẩn đoán bệnh gout
Trước khi tiến hành xét nghiệm gout, người bệnh cần chú ý một số vấn đề sau:
- Không sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu như Aspirin, vitamin C, Colchicine, Allopurinol…từ 3 – 4 ngày trước khi xét nghiệm để tránh làm thay đổi chỉ số axit uric.
- Trong vòng 4 – 8 tiếng trước khi thực hiện xét nghiệm thì người bệnh không nên ăn bất kỳ thứ gì.
- Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
- Tránh ăn hoặc uống nhiều loại thực phẩm chứa tinh bột, nhiều đạm, chất béo, bánh kẹo…
- Uống nhiều nước mỗi ngày và dành thời gian nghỉ ngơi, giữ cho tinh thần luôn thoải mái nhất.
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh gout ở đâu?
Hiện nay, trên cả nước có rất nhiều cơ sở y tế, bệnh viện thực hiện xét nghiệm và chẩn đoán bệnh gout chính xác. Người bệnh có thể tham khảo một số địa chỉ dưới đây để có thể dễ dàng hơn trong việc chọn lựa nơi uy tín và phù hợp nhất.
- Bệnh viện Nhân Dân 115
- Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
- Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM
- Bệnh viện Bạch Mai
Tóm lại, việc thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán bệnh gout càng sớm sẽ giúp quá trình trị bệnh dễ dàng và nhanh chóng hơn, tránh được các biến chứng nguy hiểm. Đối với những trường hợp kết quả xét nghiệm cho thấy có tăng axit uric nhưng không có biểu hiệm lâm sàng của bệnh gout thì người bệnh nên đến khám tại các chuyên khoa cơ xương khớp để điều trị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!